Nhiều bạn đã liên hệ, chat và thắc mắc Thích Xì Gà về các đốm trắng thường thấy trên điếu xì gà là gì. Với kinh nghiệm của Thích Xì Gà thì các đốm trắng bất thường trên điếu xì gà có thể là biểu hiện của mốc, nấm hoặc cá biệt là trường hợp xì gà nở hoa (xì gà lên tuyết). Với bài viết này, tôi chia sẻ cách phân biệt xì gà bị mốc hay là lên tuyết mà mình đã học hỏi được từ các đàn anh, các tay chơi xì gà trên thế giới và Việt Nam. Hy vọng sẽ giúp anh em chơi xì gà phân biệt được đâu là mốc, đâu là lên tuyết để có cách xử lý thích hợp, tránh “đổ oan cho người tốt” mà vứt hết cả hộp xì gà của mình đi thì uổng lắm nhé.
Hoa xì gà, Tuyết xì gà, Plume hay Bloom:
Hoa xì gà chính là những đốm trông giống như là bụi trắng liti nằm trên bề mặt điếu xì gà. Nhìn kĩ thì có thể thấy hơi có chút ánh nên nhiều người ở Việt Nam còn gọi là Tuyết Xì Gà.
Sở dĩ hoa xì gà xuất hiện là do tinh dầu của điếu xì gà khô lại và kết tinh thành dạng tinh thể trên bề mặt điếu. Khác với nấm mốc, hoa xì gà thường xuất hiện dưới dạng 1 lớp mỏng trên toàn bộ điếu và thường có mầu trắng hoặc xám nhạt. Nhưng có đôi khi chúng cũng xuất hiện dưới dạng 1 chấm trắng. Để phân biệt 1 chấm trắng là xì gà lên tuyết hay nấm mốc thì phải nhìn kĩ xem chấm trắng đó có dạng tinh thể/hạt bụi hay là dạng lông.
Hoa xì gà là biểu hiện cho thấy điếu xì gà được bảo quản trong điều kiện tốt. Chúng thường xuất hiện ở những loại xì gà đậm mạnh có nhiều tinh dầu (thường là lá maduro) và trải qua quá trình cất trữ đủ lâu. Điếu xì gà có hoa tuyết do đó thường được coi là ngon và sẽ có hương vị và dư vị rất đặc biệt.
Nhận biết xì gà bị Mốc và Nấm:
Đầu tiên là không chỉ có mầu trắng, nấm mốc có thể có màu sắc khác nhau, chẳng hạn như màu xanh lá cây, xanh, trắng và hơi vàng.
Khác với hoa xì gà thường xuất hiện như 1 lớp mỏng, nấm mốc thường xuất hiện thành từng đốm từng đốm nổi lên chứ không bao phủ đều cả điếu. Nhìn kĩ hơn chúng có dạng lông và có thể thấy cả những sợi liên kết mảnh giữa những đốm này. Nhưng không chỉ ở trên bề mặt, thực tế nấm mốc có thể bắt nguồn từ sâu bên trong thân điếu, do đó rất khó xử lý hoàn toàn 1 điếu xì gà bị mốc.
Kiểm tra chân điếu xì gà, hoa tuyết không bao giờ xuất hiện ở chân điếu nên nếu có dâu hiệu lông trắng ở đây thì đó chắc hẳn là mốc rồi.
Nếu các bác lau những đốm này đi thì có thể vẫn còn dấu vết trên thân điếu, ngoài ra thì xì gà có thể có mùi hôi khá là khó chịu nên nếu mốc nặng quá thì có thể phải vứt cả điếu đi.
Lưu ý: thi thoảng các bác thấy trên điếu xì gà có những vùng lá xanh trên wrapper thì đó không phải là mốc đâu nhé. Đó là do quá trình ủ lá xì gà chưa hoàn hảo nên mầu lá chưa chuyển hết sang mầu nâu. Đó cũng có thể là do nước mưa đọng trên mặt lá lúc thu hoạch.
Phân biệt xì gà bị nấm mốc hay là lên tuyết:
Nếu dấu vết trên xì gà có mầu xanh, vàng, đen thì là xì gà bị mốc.
Nếu có đốm trắng thì có thể xì gà bị mốc hoặc lên tuyết. Tiếp tục quan sát xem đốm trắng có dạng lông tơ hay là dạng tinh thể kết tinh. Nếu có dạng lông tơ thì là mốc.
Nếu đốm trắng hay xám ở chân điếu thì là mốc. Nếu ở phần đầu điếu hay chỉ ở 1 khu vực nhất định thì cũng nhiều khả năng là mốc. Hoa xì gà có xu hướng dàn đều trên toàn bộ thân điếu.
Cách khắc phục khi bị nấm mốc:
Với một người chơi xì gà khó tính thì những điếu xì gà bị mốc sẽ lập tức bị vứt đi. Tuy nhiên, với người chơi thuốc tiết kiệm cũng như thích khám phá hương vị mới của xì gà, thì vẫn nên khắc phục những điếu xì gà bị mốc nhẹ.
Đầu tiên là phải kiểm tra lại toàn bộ những điếu xì gà trong hộp giữ ẩm của các bác và lọc ra những điếu đã bị dính mốc vì nấm mốc rất dễ lây lan giữa các điếu.
Những điếu có mốc xuất hiện ở chân điếu thì nên vứt đi vì đã mốc sâu ở trong thân và khó có thể khắc phục được. Những điếu nấm mốc có mầu xanh, vàng thì cũng nên vứt đi vì rất khó cứu. Chỉ nên giữ lại và xử lý những điếu có nấm mốc mầu trắng.
Sau đó là lau những điếu xì gà bị nấm mốc với một miếng vải khô, nhỏ vài giọt rượu (loại có nồng độ cồn cao) vào khăn và chà trên bề mặt điếu xì gà một lần nữa.
Các bác nên tách tất cả xì gà bị mốc ra một hộp giữ ẩm hoặc túi nylon để bảo quản riêng – các điếu này sẽ bị mất mùi ít hoặc nhiều tùy thuộc vào số lượng nấm mốc. Theo dõi chúng 1 thời gian xem mốc có phát triển trở lại không. Cũng có thể diệt mốc triệt để hơn bằng cách cho vào túi nylon và cho vào tủ lạnh nhưng Thích Xì Gà không khuyến khích cách này lắm vì nó đồng thời cũng làm khô điếu và mất mùi vị.
Đừng quên vệ sinh hộp giữ ẩm vì nó chắc chắn vẫn còn nấm mốc. Cũng làm sạch hộp bằng cách xịt cồn khử trùng; lau thiết bị giữ ẩm thật kỹ bằng nước tinh khiết hoặc thay thế nếu nấm mốc đã xuất hiện trên đó. Hãy để humidor thông gió cho một vài ngày, và chỉ sau khi đảm bảo rằng xì gà của bạn không còn xuất hiện bất kỳ nấm mốc nào nữa, bạn có thể đặt chúng trở lại trong humidor. Tuy nhiên, khuyến khích không đặt những điếu đã bị mốc ra xa những điếu “khỏe mạnh” và hút nó càng sớm càng tốt…
Xem thêm về vệ sinh hộp bảo quản humidor
Nguyên nhân nấm mốc và phòng tránh:
Nấm mốc bắt đầu sinh sôi phát triển nhanh nếu độ ẩm ở mức trên 80%. Với thời tiết nóng ẩm như Việt Nam, do độ ẩm giao động nhiều, người chơi xì gà mùa đông thì phải lo xì gà bị khô, mùa mưa thì lại lo xì gà bị ẩm và nấm mốc rất mất công sức.
Việc các bác có thể làm là:
[1] vệ sinh hộp giữ ẩm sạch và cân bằng độ ẩm trong hộp xuống mức tối ưu trước khi cho xì gà vào. Không để quá nhiều xì gà trong 1 hộp bảo quản.
[2] Không dùng nước lọc hay nước vòi để bổ sung cho thiết bị tạo ẩm vì những loại nước này thường mang theo vi khuẩn nấm. Chỉ dùng nước cất cho việc này.
[3] Thường xuyên kiểm tra hộp giữ ẩm và kiểm tra, lật xì gà định kì theo lịch để kịp thời xử lý nấm mốc.
Cách đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất với người chơi xì gà đó là trang bị hộp giữ ẩm (mua hộp gỗ hoặc mua hộp nhựa đề được) và sử dụng gói Boveda để cân bằng độ ẩm cho xì gà.
Xem chi tiết về cách bảo quản xì gà bằng boveda